Kinh tế

Cần chuẩn bị hồ sơ và thủ tục gì để hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Bên cạnh bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội nhằm giúp người lao động có thể đảm bảo phần nào đời sống của bản thân và gia đình sau khi thất nghiệp. Trong trường hợp không có việc làm, người lao động sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vậy khi đó, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ và thủ tục như thế nào để nhận đc khoản trợ cấp này? Hãy theo dõi thông tin dưới đây để được giải đáp.

1. Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

a. Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);

b. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

– Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;

– Quyết định thôi việc;

– Quyết định sa thải;

– Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

– Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

c. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp

Để nhận được tiền trợ cấp, sau khi có đủ hồ sơ nêu trên, người lao động thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Điều 17 Nghị định 28 quy định, trong vòng 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ theo đúng quy định cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp.

Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

– Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

– Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Ngày nộp hồ sơ trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện nếu gửi theo đường bưu điện.

Bước 2: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ

Cũng theo Nghị định 28, cụ thể Điều 18, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quyết định việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thì trung tâm dịch vụ việc làm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên

Việc chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động được thực hiện theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 28 như sau:

– Tổ chức BHXH chi trả trợ cấp tháng đầu tiên trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;

– Tổ chức BHXH chi trả tiền trợ cấp từ tháng thứ 2 trở đi trong 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp đối với người lao động.

Lưu ý: Sau 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thì được coi là không có nhu cầu hưởng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Bước 4: Thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng

Đây là nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện để nhận được tiền trợ cấp trong những tháng tiếp theo. Cụ thể, theo Điều 52 Luật Việc làm 2013, trong thời gian hưởng trợ cấp, hàng tháng, người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp:

– Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền;

– Trường hợp bất khả kháng. 

Sử dụng hóa đơn chưa thông báo phát hành hóa đơn có bị xử phạt không? Nộp thuế điện tử – Cuộc cách mạng 4.0 đỡ lo dịch Covid-19 

Nộp thuế điện tử – Cuộc cách mạng 4.0 đỡ lo dịch Covid-19

3. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Chú ý: Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.

Rate this post

Related posts

Hợp đồng điện tử: Giải pháp cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí

Bí quyết khởi nghiệp thành công

Cách kê khai các chỉ tiêu trên tờ khai thuế TNCN mẫu 05/KK-TNCN

Lê Nguyệt Ánh

Leave a Comment