Hàng nghìn năm qua, hoa ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hóa – tâm linh của nhân dân Tây Bắc. Ngày nay, hoa ban nở trắng xóa vào mùa xuân được xem như một biểu tượng thu hút khách du lịch từ mọi miền đất nước đến với vùng đất này.
Tháng 3, hoa ban nở, xuân lại về, tình yêu đâm chồi kết trái
Hoa ban nở báo hiệu mùa xuân, một mùa lễ hội mới lại về trên đại ngàn Tây Bắc. Cứ mỗi độ hoa ban nở trắng trên các sườn núi, thì nam nữ thanh niên trong các bản mường lại rủ nhau đi hội chơi núi, hái hoa mừng xuân. Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát, đánh đàn tính, thổi kèn, múa xoè, trao và đón nhận tình yêu.
>>> Chùm tour du lịch Tây Bắc giá rẻ
Từ sáng tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng, âm vang truyền lan núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, thái măng; có nhà mổ cả heo bò mừng tiệc. Rượu cần từng vò lớn, nhỏ được bê ra để chuẩn bị đãi khách. Những chàng trai, cô gái thì áo quần, khăn váy chỉnh tề, gọi nhau í ới và cùng đổ ra đường dẫn đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ.
Lễ hội hoa ban, linh hồn của người dân Tây Bắc
Lễ hội Hoa Ban thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.
Lễ hội thường được tổ chức ở hang Thẳm Lé gắn với làn điệu khắp chơi hang. Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội, phần lễ để cúng thần linh, phần hội để tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục con người vươn tới cái tốt đẹp. Toàn bộ phần nghi lễ được thực hiện ở ngoài cửa hang, sau đó thầy mo vái “Then” xin mở cửa hang thì phần hội lúc đó mới được diễn ra cả bên trong và bên ngoài cửa hang.
Sau khi kết thúc phần lễ, bà con dân bản sẽ tiếp tục phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: ném còn, kéo co, đi cà kheo, leo cây, chọi cù, hát đối đáp… Những trò chơi độc đáo đầy ắp tiếng cười hòa lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng khắp, tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Các chàng trai vừa khắp vừa giúp các cô gái hái những bông hoa trắng muốt đem về nhà.
>>> xem thêm: TOUR DU LỊCH HÀ NỘI – HÀ GIANG – TUYÊN QUANG – NỘI BÀI 4 NGÀY 3 ĐÊM
Tháng Ba đã về, người dân địa phương và du khách muôn nơi lại đổ về để được chứng kiến các hoạt động vui chơi, ca hát giao duyên rộn ràng của trai gái thanh niên Thái Đen, Thái Trắng và hòa mình vào “Lễ hội Hoa Ban” hấp dẫn của các tỉnh Tây Bắc, tận hưởng không khí nhộn nhịp giữa tiết trời của mùa xuân vùng cao, cùng say đắm trong tiếng pí, tiếng khèn, câu khắp và rộn ràng trong những vòng xòe nồng say lại càng thêm yêu mảnh đất, yêu con người nơi xứ Mường, để rồi khi chia tay miền Tây Bắc trong lòng lại lưu luyến không muốn rời xa.